Khi thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, trẻ nhỏ sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp Đông Xuân.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho trẻ mùa Đông - Xuân năm 2024 - 2025, Ban CSSK trường Mầm non 8-3 kính mong các bậc phụ huynh phối hợp thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đối với dịch bệnh lây truyền theo đường hô hấp
1.1 Sốt Virút:
Hiện nay dịch bệnh sốt vi rút là loại bệnh đang phổ biến trong trường học và trong cộng đồng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng: trụy tim mạch, nhiễm khuẩn…..
* Phòng bệnh.
- Sốt virus là bệnh dễ lây, nhất là trong gia đình và trường học. Nên hạn chế tiếp xúc với người bị sốt.
- Đeo khẩu trang khi đi ra đường, giữ vệ sinh cá nhân thật tốt.
- Khi HS bị sốt, nếu đang đi học, cần cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết sốt, tránh lây cho các bạn khác.
- Vệ sinh sạch sẽ, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.Ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Hạn chế dùng điều hòa nhiệt độ, giữ vệ sinh ăn uống cho bé.
- Sốt virus chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Để hạ sốt, thường dùng paracetamol liều 10 mg/kg, 6 giờ một lần.
1.2 Viêm họng cấp tính
- Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi.
- Nguyên nhân gây bệnh thường thấy do loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do vi rút. Nếu không được chữa trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim và van tim hay còn gọi là thấp tim.
1.3. Viêm Amidan
- Triệu chứng đầu tiên khi bị viêm amindan, chúng ta sẽ cảm thấy khó nuốt, đau trong họng, cơn đau đôi khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Trẻ có thể lạc giọng hoặc mất hẳn giọng nói, cảm thấy rất mệt mỏi và có thể sốt cao hơn 380 C.
- Bên cạnh đó, khi bị viêm amidan ta sẽ cảm thấy miệng khô đắng, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm có thể nổi hạch.
- Trong trường hợp bị viêm amidan mãn tính trẻ sẽ ngáy khi ngủ và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, trẻ sẽ phát âm giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm. Tình trạng amidan mãn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tai .
1.4. Cúm, cảm lạnh
- Trẻ em là nhóm mắc căn bệnh này nhiều do sức đề kháng chưa hoàn thiện khiến vi rút cúm dễ dàng gây bệnh. Trong cúm, mầm bệnh là các vi rút cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày, đặc tính vi rút là sinh sôi nảy nở nhanh nên có số lượng ồ ạt tấn công cơ thể, nhất là những trẻ có hệ miễn dịch yếu.
* Để phòng bệnh hô hấp cần lưu ý 1 số vấn đề sau:
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu., ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm.
- Không nên tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Khi có triệu chứng ho,sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế đẻ được khám, xử trí kịp thời.
- Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả.Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất có chứa nhiều trong các loại rau củ quả.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Cần bảo đảm nơi ăn, nghỉ thông thoáng, phơi nắng toàn bộ quần áo, chăn, màn, chiếu khi thời tiết thuận lợi. Khi có người bệnh mắc bệnh lây truyền theo đường hô hấp, có nguy cơ thành dịch cần báo ngay với cơ quan y tế gần nhất để tổ chức phun khử trùng không khí trong nhà (phòng ngủ, nơi hội họp) bằng dung dịch Chloramin B nồng độ 0,1% Chlo hoạt tính). Hạn chế hội họp, tập trung đông người nếu không cần thiết. Thực hiện cách ly người bệnh triệt để và sử dụng khẩu trang thường xuyên.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Đối với dịch bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa
- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để dự báo tình hình dịch và có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các dịch bệnh mới nổi và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường tiêu hóa, bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ăn chín uống sôi.
- Nghiêm cấm ăn các món từ thịt không nấu chín (tiết canh, món tái, nem chạo, nem chua...). Không sử dụng thực phẩm đã bị ôi thiu, thịt gia súc, gia cầm ốm chết. Đảm bảo ăn chín, uống chín, đặc biệt lưu ý thực phẩm đông lạnh, phải rã đông hoàn toàn trước khi chế biến. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nhà ăn nhà bếp, rác thải sau khi sơ chế phải thu gom vào thùng kín (có nắp đậy) và xử lý hàng ngày. Thường xuyên tổ chức diệt ruồi, muỗi và côn trùng khác. Không sử dụng đồ uống có chứa cồn không rõ nguồn gốc trong các buổi liên hoan, tránh ngộ độc Methanol, Aldehyde.
3. Đối với dịch bệnh lây truyền do muỗi đốt
- Bệnh Sốt xuất huyết Dengue và Bệnh Sốt rét: thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng; tuyên truyền vận động người thân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết, lật úp, thu gom loại bỏ dụng cụ phế thải.
- Sau khi loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, cần áp dụng thêm các phương pháp phòng muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, ngủ màn/ mùng kể cả ban ngày, dùng thuốc xịt muỗi, đốt nhang muỗi, thoa kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Các cửa sổ cần dùng rèm che. nằm trong màn, tránh muỗi đốt để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh .