Trong thời gian gần đây, tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ là do sự thiếu ý thức cảnh giác của người dân trong công tác phòng chống cháy nổ. Trong đó, cháy nổ do chập điện, sử dụng gas, chất đốt không an toàn, thiếu thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy được coi là những nguyên nhân hàng đầu.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, hanh khô trường mầm non 8-3 nghiêm túc thực hiện và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cán bộ, GV, NV phụ huynh học sinh cùng thực hiện các nội dung sau:
1. Khi sử dụng các thiết bị như bàn là, bếp điện, các thiết bị điện sinh gia nhiệt phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.
2. Lắp đặt thiết bị tự động đóng ngắt (cầu dao điện, atomat điện) để chủ động giảm thiểu khả năng chập, cháy do điện. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị tiêu thụ điện, hạn chế các nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
3. Không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm và đặt trên các đồ vật có khả năng bắt cháy cao, hấp thụ nhiệt tốt như chăn, ga, nệm,… Không để các chất dễ cháy, như: Mút xốp, giấy, bông, vải, sợi... gần ổ cắm điện và thiết bị tiêu thụ điện. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
4. Lựa chọn sử dụng dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không tùy tiện câu mắc điện, sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên một ổ cắm để tránh trường hợp chập mạch, quá tải gây cháy, nổ.
5. Thực hiện đúng quy trình khi sử dụng khí gas đun nấu. Sau khi đun nấu xong phải khóa chặt van gas, tắt bếp trước khi đi làm các công việc khác. Thường xuyên kiểm tra độ kín của van bình, đường ống dẫn gas bằng nước xà phòng đặc. Không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ cao như: Xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy trong nhà khi không cần thiết.
6. Các hộ gia đình chỉ đốt nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Phải có khu đốt vàng mã riêng biệt, khi đốt phải che chắn tránh cháy lan hoặc gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Không thắp hương thờ cúng, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ cao, nơi có biển cấm lửa.
7. Mỗi gia đình cần bố trí tối thiểu 02 lối thoát nạn (có thể sử dụng lối thoát nạn khẩn cấp qua ban công, (lối lên mái, thoát nạn qua nhà liền kề). Không lắp lồng sắt, chuồng cọp ở khu vực ban công. Trường hợp đã lắp thì phải cắt tạo ô cửa để phục vụ thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn, có đèn pin chiếu sáng đề phòng khi mất điện. Không bố trí đồ vật cản trở lối thoát nạn. Dự kiến tình huống thoát nạn an toàn cho bản thân, cho người già, trẻ nhỏ khi có cháy, nổ.
8. Chủ động trang bị dụng cụ trữ nước, xô, chậu, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy để nơi cố định, dễ thấy dễ lấy và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị.
9. Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn đã định sẵn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che mũi, cơ thể, tuyệt đối không được núp trong phòng, nhà vệ sinh...; đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PC&CC theo máy số máy 114.
MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN CSVC PHỤC VỤ PCCC TẠI TRƯỜNG MẦM NON 8-3
Cổng trường thông thoán, an toàn
Luôn có NV bảo vệ trực ban, theo dõi giám sát phát hiện sự cố nguy cơ, khắc phục kịp thời
Sân trường phong quang sạch sẽ có đủ lối trước sau, đủ cầu thang thoát hiểm, đồ dùng phương tiện PCCC theo quy định, không gian thoát hiểm được dộn dẹp sạch sẽ thông thoáng hàng ngày.